Contents
- 1 Hầu như ai trong chúng ta cũng có ít nhất một lần mắc chứng đau mỏi lưng. Bệnh ngày càng phổ biến do lối sống ít vận động. 3 bài thuốc đông y dưới đây chữa chứng bệnh này khá hiệu quả.
- 2 1. Đau mỏi lưng do thấp nhiệt hạ chú
- 3 2. Đau lưng do gắng sức mang nặng, sút lưng
- 4 3. Đau lưng do thạch lâm (sỏi tiết niệu)
- 5 4. Những điều cần chú ý khi bị đau lưng
Hầu như ai trong chúng ta cũng có ít nhất một lần mắc chứng đau mỏi lưng. Bệnh ngày càng phổ biến do lối sống ít vận động. 3 bài thuốc đông y dưới đây chữa chứng bệnh này khá hiệu quả.
1. Đau mỏi lưng do thấp nhiệt hạ chú
– Triệu chứng: Đau lưng có cảm giác căng trướng, đắng miệng, tiểu tiện vàng, kiêm chứng chi dưới sưng đỏ trướng đau, rêu lưỡi vàng nhớt hoặc phát sốt, khát nước…
– Phép chữa: Thanh nhiệt trừ thấp chỉ thống.
– Dùng bài –“Trương thị thanh hỏa lợi thấp phương” (Y sư Trương Di Tôn, Trung y viện Thạch Khê khu Hải Châu thành phố Quảng Châu, Trung Quốc).
Thành phần bài thuốc gồm các vị sau: Hắc lão hổ 30g, xương truật 12g, cẩm nhân trần 15g, ngũ gia bì 12g, trạch tả 12g, kim ngân hoa 30g, hoàng bá 12g, uy linh tiên 12g, bạch thược 20g, cam thảo 6g.
Các vị thuốc trên sắc mỗi ngày 1 thang, chia 2- 3 lần uống khi thuốc còn ấm.
2. Đau lưng do gắng sức mang nặng, sút lưng
– Triệu chứng: Sau khi mang vác nặng, thấy đau lưng, có khi không cúi lên xuống được, xoay người cũng đau.
– Phép chữa: Tiêu ứ hành khí, chỉ thống.
– Dùng bài –“Thư cân chỉ thống tán” (Tần Bá Vị tiên sinh, Nhà Trung y học trứ danh, Trung Quốc).
Thành phần bài thuốc gồm các vị sau: Huyền hồ, đương quy, đào nhân, một dược (chế), nhục quế, ngưu tất, nhũ hương.
Cách dùng: Các vị liều lượng bằng nhau, cùng tán bột, mỗi lần uống 6g chiêu với rượu hâm nóng.
3. Đau lưng do thạch lâm (sỏi tiết niệu)
– Triệu chứng: Một bên lưng bị đau, xu thế đau nặng không chịu nổi, thậm chí vã mồ hôi chân tay lạnh, buồn nôn, bụng dưới căng gấp, tiểu tiện vàng, rỉ rích khó chịu hoặc trong nước tiểu kèm theo sỏi cát, đó là kết sỏi gây nên.
– Phép chữa: Thanh nhiệt thông lâm, trừ sỏi và chỉ thống.
– Dùng bài –“Chu thị tạm kim hồ đào thang” (Giáo sư Chu Phượng Ngô, Trung y học viện Sơn Đông, Trung Quốc).
Thành phần bài thuốc gồm các vị sau: Sinh địa hoàng 15g, hải kim sa 12g, thạch vi 12g, biển xúc 12g, hoạt thạch 12g, sinh cam thảo 4,5g, mộc thông 4,5 g, kim tiền thảo 30-60g, huyền sâm 12g, cù mạch 12g, xa tiền thảo 12g, thiên môn 9g, kê nội kim (chích) 6g, ngưu tất 9g, hồ đào nhân 4 quả (chia 2 lần ăn nhấm nháp).
Cách dùng: Các vị thuốc trên thêm 600ml nước, đun nhỏ lửa sau khi sôi 30 phút lọc lấy 400ml, lại sắc lần II với 500ml cạn lấy 300 ml, trộn đều hai nước, chia hai lần sáng và tối, uống lúc nóng.
4. Những điều cần chú ý khi bị đau lưng
- Người bệnh cần tránh duy trì lâu ở một tư thế (đứng, ngồi một tư thế lâu). Luôn giữ tư thế đúng trong mọi sinh hoạt hàng ngày.
- Khi đang đợt đau cấp cần kiêng vận động mạnh, chú ý đi lại nhẹ nhàng, tránh các động tác vận động đột ngột, nhất là các động tác xoắn vặn khiến cơn đau càng trầm trọng hơn.
- Cần nằm đệm có độ cứng vừa phải, kiêng nằm võng, nằm đệm lò xo khiến lưng càng đau mỏi nhiều hơn.
- Tránh đi giày, guốc cao gót.
- Tránh mang vác các vật nặng, ở tư thế sai.
- Chú ý kết hợp việc dùng thuốc với chế độ dinh dưỡng có lợi cho bệnh nhân xương khớp, áp dụng các biện pháp chữa bệnh không dùng thuốc như đeo đai, xoa bóp, bấm huyệt, chườm thảo dược…
Nguồn: suckhoedoisong.vn