Bạn mắc chứng ra nhiều mồ hôi, chỉ cần dùng bột nghệ trộn ngũ bội tử và mật ong đắp lên rốn rồi buộc cố định lại.
Trong cơ thể người, rốn có vị trí đặc biệt quan trọng. Đông y xem rốn là nguồn gốc của sự sống đầu tiên khi hình thành con người, là cuống rễ của sự sống sau khi ra đời.
Trong châm cứu, chính giữa rốn gọi là huyệt thần khuyết, còn gọi huyệt khí xá. Các sách giáo khoa của Đông y khi nói đến huyệt thần khuyết đều ghi rõ cấm châm. Huyệt thần khuyết là “đầu mối giao thông” quan trọng trong hệ thống các đường kinh lạc, liên hệ mật thiết với ngũ tạng lục phủ, 12 kinh mạch và kỳ kinh bát mạch.
Đắp thuốc lên rốn để chữa bệnh là một phương cách độc đáo của Đông y, đơn giản, rẻ tiền mà hiệu nghiệm. Danh y Ngô Sư Cơ (Trung Quốc) cho rằng “đắp thuốc lên rốn chẳng khác uống thuốc qua miệng”. Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh của nước ta cũng để lại nhiều cách chữa bệnh bằng đắp thuốc lên rốn.
Ưu điểm của đắp thuốc lên rốn
Rất đơn giản, dễ nắm vững phương pháp. Thầy thuốc và cả người bệnh đều có thể nhanh chóng nắm rõ và dễ dàng áp dụng. Những nơi thiếu thầy, ít thuốc càng nên phổ cập rộng rãi.
Diện bệnh điều trị và phạm vi áp dụng rộng, an toàn và ít tác dụng phụ, lượng thuốc cần sử dụng rất ít. Trẻ em cơ thể còn non nớt, người già cơ thể suy yếu, khó cho uống thuốc, đặc biệt những trường hợp không thể đưa thuốc qua đường miệng càng dễ áp dụng.
Lưu ý
Đắp thuốc lên rốn, tuy chỉ là phép trị bên ngoài nhưng muốn có kết quả tốt cần căn cứ vào bệnh tình cụ thể để chọn thuốc thích hợp. Trong một số trường hợp, cần kết hợp một số phương pháp chữa bên trong để nâng cao hiệu quả điều trị.
Dược liệu khô thường được tán thành bột mịn, hòa với dung môi thành cao mềm rồi đắp lên rốn. Nếu là dược liệu tươi, có thể giã nhuyễn rồi đắp lên rốn, sau đó dùng băng dính hoặc gạc cố định lại. Tùy bệnh tình cụ thể, có thể sử dụng 1-2 ngày hoặc 3-5 ngày.
Khi đắp thuốc lên rốn, người bệnh cần nằm ngửa. Trước khi đắp thuốc cần dùng nước ấm và cồn y tế sát trùng da vùng rốn. Khi thay thuốc, cần dùng bông tẩm dầu thực vật để lau sạch thuốc cũ.
Khi đắp thuốc, thường dùng các vị thuốc có tính nóng và kích thích mạnh. Sau khi đắp thuốc nếu quá nóng rát, trên da phồng mụn nước thì nên tạm dừng. Để giảm bớt sự cố trên, chỉ nên dùng liều nhỏ các thuốc có tính kích thích mạnh, đối với bệnh mạn tính nên đắp thuốc theo cách gián đoạn, sau mỗi liệu trình nên nghỉ 3-5 ngày.
Đối với trẻ nhỏ, cơ thể còn non nớt, khi đắp thuốc cần chú ý tránh để thuốc bị rơi ra ngoài. Không nên sử dụng những loại thuốc có tính kích mạnh, thời gian đắp thuốc cũng không nên quá dài. Đối với phụ nữ mang thai, cần thăm khám kỹ lưỡng và hết sức thận trọng khi sử dụng phương cách đắp thuốc lên rốn.
Chữa bệnh
Chữa chứng nhiều mồ hôi
Người ra mồ hôi nhiều, thêm các chứng như sợ gió, người tê nhức, lúc nóng lúc rét, tinh thần mệt mỏi kém ăn, có thể dùng phương thuốc gồm ngũ bội tử và nghệ. Hai thứ liều lượng bằng nhau, đem tán mịn trộn đều cất vào lọ dùng dần. Mỗi lần lấy một ít thuốc trộn với mật ong cho đều và đắp lên rốn, sau đó dùng gạc, sạch phủ lên và dùng băng dính cố định lại. Mỗi ngày một lần, sau 7 ngày nghỉ 3 ngày rồi lại tiếp tục làm như cũ.
Trị chứng tự nhiên ra mồ hôi
Hà thủ ô tán nhỏ hòa với nước miếng đặt vào lỗ rốn.
Trị thương hàn về mùa đông, mồ hôi không ra được
Dùng gừng, hành cả rễ và đậu xị, mỗi thứ lượng bằng nhau, giã nhỏ nặn thành bánh đặt lên rốn, lấy vải buộc chặt cho ra mồ hôi thì thôi.
Trúng hàn
Hành củ giã nát, sao nóng, lấy vải bọc đem chườm lên rốn, nguội thì đổi cái khác.
Trị táo bón
Hành trắng (cả cọng và rễ) ba tép, gừng sống một củ bằng ngón tay, đậu xị 21 hạt, một ít muối, giã chung cho nát, làm thành bánh hơ lửa nóng chườm lên rốn, nguội thì hơ lại chườm tiếp.
Để trị táo bón kéo dài, có thể dùng 2-3 con ốc bưu cả vỏ, một chén nhỏ muối, cùng giã nát, đắp vào rốn, dùng vải buộc chặt.
Trẻ con khóc đêm
Hạt bìm bịp đen 4 g, tán nhỏ hòa với nước bôi ở rốn.
Sản phụ sau sinh máu hôi ra không hết, dẫn đến đau bụng
Ngải cứu khô một vốc giã nát sao với giấm cho nóng, rịt lên lỗ rốn, lấy vải phủ lên. Dùng cái âu đồng có đựng than đỏ chườm lên trên, đợi trong miệng có hơi ngải cứu thì đau sẽ dần tự khỏi.
Bác sĩ Lê Thân
Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Nam
Nguồn: vnexpress.net