Contents
Giữ cho đầu óc minh mẫn dù năm tháng có trôi qua là việc cần thực hiện hằng ngày, đặc biệt là khi chúng ta già đi. Sau đây là một số bí quyết giúp cho bộ não ở trạng thái khỏe mạnh dài lâu.
GS.BS. Philippe Amouyel người Pháp, tác giả cuốn sách Hướng dẫn chống bệnh Alzheimer, chia sẻ một số bí quyết giúp trí não luôn minh mẫn ngay cả khi bạn đã lớn tuổi.
1. Một số bài tập phát triển khả năng ghi nhớ
1.1. Bài tập khơi gợi phút giây hạnh phúc
Bộ não cần những suy nghĩ tích cực và những ký ức vui vẻ để hoạt động tốt và hình thành các kết nối thần kinh mới.
Cách thực hiện:
- Nhắm mắt lại và nhớ lại một cảnh tượng trong đời khiến bạn hạnh phúc, ví dụ như kỳ nghỉ, thành công cá nhân hoặc nghề nghiệp, khoảnh khắc hạnh phúc…
- Khơi lại những cảm giác dễ chịu mà giai đoạn này của cuộc đời đã mang lại cho bạn như gặp lại những người thân quen, gợi lại âm thanh, mùi vị, màu sắc…
- Hình dung các khoảnh khắc này từ quá khứ có tác dụng rất tốt đối với trí nhớ.
2. Bí quyết duy trì trí não minh mẫn
2.1. Có đời sống xã hội phong phú
Duy trì mối quan hệ với gia đình, những người thân yêu và nhân rộng các hoạt động xã hội (đi chơi, đi nhà hàng…) có liên quan đến tốc độ xử lý thông tin của não, trí nhớ và khả năng thị giác không gian (định hướng bản thân trong không gian).
Nói chuyện, cười đùa hoặc ăn uống với người khác sẽ kích thích và duy trì hoạt động của não bộ, do đó ngăn chặn suy giảm trí não, GS. Amouyel cho biết.
2.2. Làm điều mình thích
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, những sở thích kích thích nhận thức, chẳng hạn như du lịch, làm việc nhà, làm vườn hoặc đi xem hòa nhạc, sẽ giúp đầu óc luôn hoạt bát.
Những sở thích này đưa chúng ta ra khỏi thói quen, huy động bí quyết, yêu cầu lập kế hoạch cho các sự kiện và thu thập thông tin… Tất cả sẽ kích thích mạnh mẽ não bộ và tạo ra các kết nối thần kinh mới.
2.3. Rèn luyện trí tò mò
Đọc sách, học ngoại ngữ hoặc một công việc mới… bất kỳ hoạt động mới nào cũng tạo ra các kết nối nơ-ron thần kinh mới. Các kết nối có thể bù đắp cho sự mất mát tế bào thần kinh liên quan đến tuổi tác và duy trì các chức năng trí tuệ ở mức tốt nhất.
2.4. Chăm sóc bản thân
GS. Amouyel cho biết, một lối sống lành mạnh, với chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục, không hút thuốc lá và uống rượu, bia sẽ bảo vệ não bộ, giúp não bộ hoạt động bình thường. Chế độ ăn thiên về trái cây và rau quả, đặc biệt là các loại rau lá (xà lách, cải bó xôi…), quả mọng đỏ, giàu kali, chứa khoáng chất hỗ trợ làm hạ huyết áp (việt quất, dâu tây…), ngăn ngừa suy giảm nhận thức.
2.5. Suy nghĩ tích cực
Trong một nghiên cứu của Mỹ, những người lạc quan có nguy cơ suy giảm nhận thức trung bình thấp hơn 30%. Đặc biệt, trạng thái tinh thần này có thể làm giảm sự tiết ra các phân tử gây viêm (interleukin-6, protein phản ứng C…), có liên quan đến việc tăng nguy cơ rối loạn nhận thức.
Theo GS. Amouyel, sự lạc quan cũng có thể rèn luyện được. Để làm được điều này, chúng ta không nên chịu đựng những cảm xúc tiêu cực. Hãy cố gắng nhìn nhận mọi thứ một cách đúng đắn, ngừng sống trong quá khứ bằng cách sống cho hiện tại, không đặt cho mình những mục tiêu không thể đạt được, để có thể đạt được chúng và tự tin hơn, không so sánh bản thân với người khác…
2.6. Duy trì đời sống tình dục đều đặn
Các khả năng của não bộ vẫn sẽ được gìn giữ tốt khi tuổi tác tăng lên nếu hoạt động tình dục diễn ra thường xuyên. Hoạt động tình dục làm tăng tương tác xã hội và hoạt động thể chất. Hai yếu tố này giúp duy trì chức năng nhận thức tốt.
Nguồn: suckhoedoisong.vn